fbpx
Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên môn

Tư duy logic cho trẻ 3 tuổi

23/04/2021 cms

3 tuổi là thời điểm cha mẹ sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt trong các kỹ năng tư duy của trẻ. Trẻ bắt đầu hiểu và tham gia vào các câu chuyện cười, các trò đùa cợt… Trẻ có thể đưa ra nhiều cách xử lý với những thử thách phức tạp hơn. Trẻ cũng có thể thể hiện sự đồng cảm cũng như sự khác biệt của bản thân với người khác. Bạn sẽ cảm thấy ấm áp với cái ôm của trẻ bị trẻ thấy bạn buồn. Bạn cũng sẽ thấy trẻ chủ động giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn,…

Ở độ tuổi này, có rất nhiều điều cha mẹ có thể thực hiện để tạo môi trường học và chơi với trẻ.

Trò chơi đóng vai

Khả năng đóng vai đánh dấu một bước tiến lớn trong các kỹ năng tư duy của trẻ. Khi trẻ đóng vai, cũng có nghĩa là trẻ hiểu các biểu tượng – một khối hộp có thể trở thành chiếc xe ô tô, hộp giày có thể trở thành ngôi nhà của chú chó mèo,… Hiểu được các biểu tượng là điều rất quan trọng cho việc phát triển các kỹ năng về toán, logic, kỹ năng viết và khoa học.

Cha mẹ có thể làm gì để để phát triển khả năng tưởng tượng cho trẻ?

  • Dành thời gian đóng vai với trẻ. Để trẻ đóng vai trò dẫn dắt. Điều này giúp trẻ phát triển ý tưởng của mình, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ tạo ra các kết nối logic trong câu chuyện của mình: Chú chó phải về nhà vì trời mưa. Cha mẹ có thể đặt câu hỏi: Chú chó cảm thấy như thế nào? Chú chó đang cố làm điều gì? Tại sao? Điều gì xảy ra tiếp theo?
  • Chuẩn bị nhiều đồ vật liên quan để trẻ có thể hoàn thành câu chuyện của mình – mũ, đồ hóa trang, bát đĩa đồ chơi, chổi, khối ghép hình, thức ăn đồ chơi, những đồ quanh nhà như chăn, gối, hộp carton,…

Khám phá đặc điểm của đồ vật

Những hoạt động khám phá gợi ý ở thời điểm này:

  • Đào hố cát để tìm đồ chơi
  • Tự làm đất nặn
  • Xây dựng công trình từ các khối xây dựng
  • Đóng kịch 
  • Ghép, dỡ và phân loại đồ vật
  • Khám phá các bộ phận của đồ vật (bánh xe/ cửa xe tải đồ chơi,…)

Cha mẹ có thể làm gì?

  • Quan sát xem con mình thích gì. Đặt những câu hỏi như: Đố con mình sẽ tìm thấy gì nếu đào xuống hố cát này? Theo con thì chú bướm này đang bay đi đâu? Không biết con nhện này có mấy chân nhỉ? Không biết từ đây lên nhà mình thì có bao nhiêu bậc thang nhỉ? Không biết hạt mưa này rơi xuống thì sẽ đi đâu tiếp theo nhỉ? Nuôi dưỡng trí tò mò, cũng có nghĩa là nuôi dưỡng niềm đam mê học tập của trẻ.
  • Tạo cơ hội cho trẻ khám phá và sáng tạo càng nhiều càng tốt. Đi dạo ngoài thiên nhiên, chơi với cát và nước, cho trẻ các đồ vật có thể tháo lắp được. Khi chơi với các đồ vật giống nhau, trẻ sẽ tìm ra cơ chế hoạt động của chúng. Đây chính là quá trình giải quyết vấn đề rất quan trọng khi trẻ đến trường.

Quy luật và kết nối các ý tưởng

Trẻ ở độ tuổi này có thể vận dụng những trải nghiệm trong quá khứ của mình để giải quyết các vấn đề ở hiện tại. Khi trẻ nhìn thấy một bầu trời đầy mây, trẻ có thể biết rằng sắp có mưa. Điều này cũng giúp trẻ hiểu thế giới vận hành như thể nào – mưa đến sau những đám mây đen. Bạn sẽ nhận ra khả năng nhận biết quy luật và kết nối các ý tưởng khi trẻ:

  • Cười với những hiện tượng ngộ nghĩnh
  • Xin bà bánh sau khi mẹ từ chối
  • Nhớ ra dì của mình không thể đến dự tiệc vì dì sống ở một nơi rất xa
  • Nhắc mẹ mang theo ô vì trời đang mưa.

Cha mẹ có thể làm gì?

  • Tạo ra những kết nối giữa các sự kiện trong quá khứ và hiện tại. Tạo ra những kết nối logic trong cuộc sống hàng ngày của trẻ: Con phải đeo găng tay vào mùa đông nếu không tay con sẽ bị lạnh. Con phải mang khăn tắm ra bể bơi để khi bơi xong, con cần lau người cho khô trước khi mặc quần áo.
  • Lưu ý quy luật trong cuộc sống hàng ngày. Sử dụng ngôn ngữ để giải thích các quy luật đó giúp trẻ phát triển cả tư duy logic và tư duy ngôn ngữ.
Comments

Chia sẻ khác
Đăng ký khóa học

Đăng ký khóa học

Chúng tôi cam kết thông tin của bạn sẽ được giữ bảo mật.