fbpx
Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên môn

NHỮNG SAI LẦM KHI NÓI CHUYỆN VỚI CON (P.1)

11/08/2018 cms
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng: từ ngữ cũng có thể làm thay đổi bộ não của con bạn. Bởi vậy phụ huynh nên học cách sử dụng những từ ngữ đúng để phát huy tối đa hiệu quả khi nói chuyện với con.
Bài viết này sẽ đưa ra những ví dụ cụ thể nhất để chúng ta thấy được sức mạnh của ngôn ngữ.

Làm cha mẹ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa nhất. Tuy nhiên sự thiếu hiểu biết và những quan niệm sai lầm có thể dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả. Một số phụ huynh sử dụng các chiến lược nuôi dạy con cái độc đoán không cho phép đứa trẻ có tiếng nói độc lập. Một số phụ huynh khác lại thoải mái quá mức và không dạy đứa trẻ về các giới hạn và sự tự chủ.

Nghiên cứu cho thấy cả hai thái cực có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ em. Cách nuôi dạy con tốt nhất là công bằng, linh hoạt, tôn trọng hướng tới khả năng học tập thay vì lấy sự phục tùng làm mục tiêu. Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc, cho phép con lựa chọn, nhưng thiết lập giới hạn công bằng và rõ ràng về các hành vi không được chấp nhận là sự cân bằng mà tất cả chúng ta nên phấn đấu đạt đến. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn tránh cách giao tiếp không hiệu quả dẫn đến sự không tuân thủ hoặc gây tổn hại đến lòng tự trọng của con.

(1) Nói quá nhiều

Khi cha mẹ cứ nói liên tục, trẻ em sẽ bỏ chúng ra khỏi đầu. Các nhà nghiên cứu đã kết luận: bộ não con người chỉ có thể giữ bốn “khối” thông tin hoặc ý tưởng độc đáo trong bộ nhớ ngắn hạn (chủ động) cùng một lúc. Số lượng này nằm trong khoảng 30 giây hoặc một hoặc hai câu nói.

Khi cha mẹ nói quá nhiều con trẻ sẽ không muốn nghe thậm chí làm ngơ
Ví dụ không hiệu quả

“Mẹ không chắc con nên làm gì (múa ba lê và cả bóng đá) trong học kỳ này. Con biết đấy, con thực sự không thể làm cả hai được vì bóng đá thì vào 4h thứ 3, thứ 4 và thứ 5, nhưng sau đó con sẽ phải thay quẩn áo, búi tóc lên và sẽ không có đủ thời gian trừ khi con chuẩn bị sẵn đồ múa ba lê từ tối thứ 2, nghĩa là bộ đồ đó cần phải được giặt sạch vào chủ nhật….”.

Có rất nhiều ý tưởng khác nhau trong thông điệp này khiến đứa trẻ sẽ bị bối rối và không lắng nghe cha mẹ nữa. Ngoài ra, thông điệp này có một giai điệu tiêu cực, lo lắng có thể khiến đứa trẻ phản ứng với sự nghi ngờ và lo âu. Không cần thiết phải nói cho đứa trẻ tất cả các thông tin cùng một lúc. Thay vào đó, hãy chia nó thành các bước riêng biệt để dễ tiếp thu hơn. Hãy để đứa trẻ thể hiện sở thích tổng thể của mình trước tiên, trước khi nhắc đến tất cả các chướng ngại vật.

Ví dụ hiệu quả

“Nếu con tham gia cả múa ba lê và bóng đá trong học kỳ này, con sẽ phải di chuyển từ việc này sang ngay việc kia. Hãy ngồi xuống và tìm hiểu xem điều này có hợp lý cho cả con và mẹ không nhé”.  Trong ví dụ này, phụ huynh giới hạn cuộc nói chuyện với con trong hai câu, điều này giúp trẻ dễ dàng tiếp thu thông tin. Cô cũng đang rõ ràng về mục tiêu tổng thể (giúp con thực hiện được cả 2), và các bước tiếp theo cô ấy yêu cầu (ngồi xuống và thảo luận về vấn đề này). Cuối cùng, cô ấy đang cho thấy sự sẵn sàng cộng tác và cân nhắc nhu cầu của trẻ cũng như của chính mình.

(2) Cằn nhằn và đưa ra nhiều cảnh báo

Hầu hết các bậc cha mẹ đều quen thuộc với “cơn lốc” sáng sớm để đưa mọi người ra khỏi cửa đúng giờ cùng với bữa trưa, quần áo tập thể dục, nhạc cụ, bài tập về nhà đã ký, v.v. Đứa trẻ bị phân tâm và dường như không có động lực để chuẩn bị đúng giờ. Đây là thử thách lớn nhất đối với một phụ huynh bận rộn.

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy mất kiểm soát và cố gắng một cách tuyệt vọng để kiểm soát tình hình bằng cách cằn nhằn hoặc chỉ trích. Vấn đề là với việc cằn nhằn – bạn thực chất đang đào tạo con làm ngơ với bạn bởi vì trẻ biết sẽ có nhiều lời nhắc nhở hơn trên đường. Khi trẻ còn nhỏ, có thể cần thêm sự trợ giúp và hướng dẫn, cách làm cha mẹ hiệu quả là cho phép trẻ nhận trách nhiệm ngày càng tăng khi chúng lớn lên.

Sự cằn nhằn, chỉ trích hay đưa ra quá nhiều lời cảnh báo làm trẻ lo âu, sợ hãi hơn là nghe lời
Ví dụ không hiệu quả (đối với đứa trẻ 10 tuổi)

“Mẹ sẽ đánh thức con dậy sớm một tiếng vì con không bao giờ sẵn sàng đúng giờ. Con cần mặc quần áo ngay bây giờ. Con có bài tập về nhà cần mẹ phải ký không”?
10 phút sau: “Mẹ đã nói con chuẩn bị các thứ mà con vẫn ngồi không như vậy. Con sẽ làm chúng ta bị muộn. Hãy đi đánh răng rửa mặt và mặc quần áo vào”.
10 phút tiếp theo: “Bài tập về nhà của con đâu? Mẹ đã nói mang ra đây để mẹ ký rồi mà? Và con vẫn chưa mặc quần áo xong sao? Chúng ta sẽ bị muộn”.
Và cứ như thế phụ huynh này đang lấy đi quá nhiều trách nhiệm và gián tiếp nói với đứa trẻ rằng cô ấy không tin tưởng cậu bé để quản lý tình hình mà không có sự hướng dẫn và can thiệp sâu của mình. Điều này có thể dẫn đến trẻ em không tự tin, quá phụ thuộc. Theo Tiến sĩ Carol Dweck – nhà nghiên cứu về nuôi dạy con cái và động lực: giọng điệu tiêu cực có khả năng tạo ra sự oán giận và phản kháng hoặc sự thụ động cho trẻ. Bởi thế phụ huynh nên tránh tối đa cách giao tiếp tiêu cực.

Ví dụ hiệu quả

“Chúng ta sẽ đi đến trường trong 45 phút nữa. Nếu con không chuẩn bị đủ các thứ cần thiết, con sẽ phải tự giải thích điều đó với cô giáo nhé”.
Những hướng dẫn này ngắn gọn và truyền đạt một kỳ vọng rõ ràng với hậu quả cho sự không tuân thủ. Trẻ không bị phán xét, lo lắng và bị kiểm soát. Phụ huynh cho phép đứa trẻ học hỏi từ những hậu quả tự nhiên từ chính hành vi của mình. Nói chuyện với con cũng cần học tập và rèn luyện mỗi ngày bởi chính các bậc phụ huynh.

(Theo psychologytoday)

Phần 2: https://cmsedu.vn/nhung-sai-lam-lon-nhat-cha-me-thuong-mac-phai-khi-noi-chuyen-voi-con-tre-p-2/

Tìm hiểu thêm nhiều thông tin bổ ích tại fanpage CMS EDU: https://www.facebook.com/CMSeduvietnam/

Comments

Chia sẻ khác
Đăng ký khóa học

Đăng ký khóa học

Chúng tôi cam kết thông tin của bạn sẽ được giữ bảo mật.