fbpx
Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên môn

KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 2: NHỮNG ĐIỀU BA MẸ NÊN BIẾT

04/02/2021 cms

Ở bất kì độ tuổi nào trẻ cũng sẽ đều có những giai đoạn bị khủng hoảng tâm lý khác nhau, mức độ tâm lý cũng khác nhau. Các em bé ở độ tuổi lên 2 cũng vậy!

Bạn Tôm có 1 chiếc xe cần cẩu màu vàng rất xinh, và bạn ấy bắt đầu khám phá ra rằng ngoài việc chở được mấy bạn siêu nhân thì còn có thể chở được… bạn ấy. Và bạn ấy cố gắng để ngồi được lên nó đến nỗi không dấu nổi sự sung sướng. Nhưng ngay sau đó, một cơn khủng hoảng ập đến khi bạn ấy nhận ra là mình quá to để ngồi được lên nó. Và bạn ấy bắt đầu gào thét liên tục. Có lẽ là cảm giác bất lực. Đúng vậy, sự bất lực của một đứa trẻ lên 2!

Những Ba Mẹ đang có em bé chuẩn bị lên 2 tuổi hoặc đang trải qua những ngày tháng này, nếu Ba Mẹ tự nhủ sẽ nhanh chóng thoát khỏi cảnh này thì “hãy quên chuyện đó đi”. Ngược lại, hãy chuẩn bị tinh thần cho những chuyện khá là tệ, như vậy Ba Mẹ sẽ cùng bé vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Khi lên 2 tuổi, Ba Mẹ có thể thấy một đứa trẻ vô cùng nghe lời trước đây đột ngột “nổi điên” vì những lý do rất kì cục. Và cảm tưởng như “đứa con ngoan ngoãn đi đâu mất rồi”?? Chỉ vì Ba Mẹ bảo bé ăn cháo trước rồi mới được ăn kẹo, bé phản đối bằng cách gào thét không thèm ăn cháo, thậm chí hất cả bát cháo đi, dù bạn có quyết định thế nào đi nữa, bé cũng phải làm “ngược lại” hoặc liên tục “KHÔNG”.

Khủng hoảng tuổi lên 2 được gọi là “những ngỡ ngàng ban đầu”. Đó là khi các bạn nhỏ có thật nhiều “khoảnh khắc loé sáng” trong đầu, khi nhận ra rằng: Ồ, mình có thể làm như thế này thay vì phải làm theo ý của người lớn.

Đó là khi tính kiên trì của bé còn hạn chế, khi chơi mãi không được thì có thể ngay lập tức ném đồ chơi đi luôn. Vì vậy, đồ chơi phù hợp với trẻ bao giờ cũng tính tới những yếu tố này. Nên đôi khi chỉ 1 nút on/ off cũng khiến bé cảm thấy mình đạt được một điều gì đó thật to lớn. Những đồ chơi không hợp với lứa tuổi sẽ rất dễ khiến bé nổi giận với cảm giác bất lực.

Đó là khi bạn ấy kiên quyết không đi tất vào mùa đông. Kiên quyết phải mặc váy Elsa vào một ngày rét đậm rét hại. Hay kiên quyết phải uống nước cam trong khi lúc trước hỏi thì rõ ràng bảo là con uống sữa.

Đó là sự phản kháng, phản kháng không phải vì con “hư” như lời Ba Mẹ thường nói đâu, đó là vì có một vài sự “loé sáng” trong bộ não của con, khiến con nhận ra rằng con có thể tự làm được một vài thứ, khi con nói “KHÔNG” con có thể khiến bố mẹ thực sự chú ý, con thích làm ngược lại mọi thứ và đôi khi con không biết cảm xúc của mình là gì?

VỚI MỘT ĐỨA TRẺ LÊN 2 – ĐIỀU GÌ KHÔNG NÊN?

Với một đứa trẻ lên 2, Ba Mẹ phải thu xếp mọi việc hết sức bình tĩnh. Quát mắng chúng ngay lập tức hay nổi cơn thịnh nộ là điều thực sự vô nghĩa và không giải quyết được gì.

Nếu Ba Mẹ quát hay doạ bé chỉ để bé chấp nhận lên giường ngủ thì có thể Ba Mẹ sẽ phải lặp lại kịch bản đó hằng ngày.

Nếu Ba Mẹ bắt con ăn một món bé không thích, Ba Mẹ sẽ khiến bé cảm thấy sợ mỗi khi đến bữa ăn, vậy thì hãy chuẩn bị đối mặt với “trận chiến” ấy nhiều năm nữa.

VẬY BA MẸ NÊN LÀM GÌ? DÀNH CHO BA MẸ 1 TỪ KHOÁ – “CHẤP NHẬN CẢM XÚC”

Hãy chấp nhận rằng đây chỉ là 1 trong rất rất nhiều những cái “khủng hoảng” sẽ tiếp tục xảy ra. Và trải qua mỗi lần “khủng hoảng” ấy con sẽ có thêm bước đệm để trưởng thành hơn rất nhiều.

Trước những cảm xúc bùng nổ của con, hãy cố gắng để bình tĩnh nhất có thể. Nếu Ba Mẹ cũng trở thành một đám lửa còn to hơn của con thì liệu có dập tắt được hay sẽ còn bùng to hơn? Thậm chí có thể cháy âm ỉ lâu thật lâu hơn nữa.

Vì vậy, Ba Mẹ hãy lưu ý rằng luôn thừa nhận cảm xúc mà con đang trải qua, hãy cho trẻ thấy bạn đang thấu hiểu và đồng cảm với trẻ bằng biểu cảm trên gương mặt

VD: Nếu con sợ con chó. Đừng nói: “Con không phải sợ con chó ấy đâu/ Có gì mà phải sợ“. Mà hãy nói “Con chó ấy đúng là rất to, tiếng sủa của nó làm con sợ đến mức phải nhảy dựng lên đúng không? Nhưng con có mẹ ở đây rồi, mẹ sẽ đi cùng con nhé”. Hoặc “Con đang buồn ah? Con buồn vì con muốn mua đồ chơi mà mẹ chưa mua được cho con à?”

Dù bạn vui/ cáu giận/ hay buồn… hãy nhớ luôn luôn ngồi xuống ngang bằng với con. Mắt nhìn mắt và nói ra vấn đề/ hoặc cảm xúc mà bạn đang cảm thấy với con. VD: “Mẹ thấy buồn khi con hét lên với mẹ đấy. Mẹ suýt khóc đấy”.

Luôn là người chủ động nói ra cảm xúc của mình theo 1 số cấu trúc câu nhất định, để trẻ làm quen với việc nói ra cảm xúc của bản thân. VD: “Mẹ đang vui lắm, vì hôm nay Bon ăn rất ngoan…”


Việc được thừa nhận cảm xúc, hiểu và gọi tên được cảm xúc sẽ không thể ngay lập tức giúp trẻ thay đổi hành vi nhưng về lâu dài, sẽ giúp trẻ học được cách ứng xử phù hợp. Vì vậy, lời khuyên dành cho Ba Mẹ đó là, không phải mình cố tìm cách “dìm” cơn khủng hoảng xuống, không phải tìm cách “triệt tiêu”, càng không phải tìm cách thoát khỏi. Hãy coi khủng hoảng tuổi lên 2 như một cơ hội thật tốt để dạy con những bước đầu của việc ứng xử đúng mực và rèn luyện EQ ngay từ sớm.

Comments

Chia sẻ khác
Đăng ký khóa học

Đăng ký khóa học

Chúng tôi cam kết thông tin của bạn sẽ được giữ bảo mật.