Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên mônGIỚI THIỆU HỌC CỤ – DẠY CON SỐ HỌC VỚI BẢNG SỐ 100
Có rất nhiều cách để dạy con số học mà không cần phải ép trẻ học thuộc lòng. VD nhận mặt số, đếm số cũng như cộng trừ trong khoảng 100 . Một trong số đó là sử dụng các hoạt động trải nghiệm và trò chơi thực tế. Các học cụ trực quan sẽ giúp trẻ hiểu được bản chất và nắm bắt kiến thức sâu sắc hơn. Trong đó bảng số 100 được nhiều chuyên gia giáo dục sớm khuyên dùng. Cùng CMS EDU tìm hiểu học cụ đơn giản mà vô cùng hiệu quả này nhé.
-
Bảng số 100 là gì?
Bảng số 100 là một bảng số hình vuông với 10 dòng và 10 cột số. Mỗi số trong bảng 100 sẽ là một ô vuông nhỏ. Bảng số 100 có thể được sản xuất với nhiều kích cỡ, màu sắc hoặc chất liệu khác nhau. Chúng có thể nhỏ vừa đủ để bỏ túi hoặc đủ lớn để sử dụng trong một lớp học.
Bảng số 100 cũng có thể làm từ nhựa với các ô số tách rời hoặc làm bằng vải với khung treo để tiện đặt vào hoặc lấy ra các thẻ số. Một bảng số 100 cũng có thể dễ dàng in ấn để ba mẹ, giáo viên dạy con số học.
-
Sử dụng bảng số 100 như thế nào?
Các số trong bảng sẽ tăng tiến từ 1 đến 100 với 1 là ô vuông nằm ở hàng trên cùng bên trái và 100 là ô số nằm ở hàng dưới cùng bên phải. Từ trái sang phải ở cùng một hàng các số sẽ tăng dần 1 đơn vị. Từ trên xuống dưới trên cùng một cột các số sẽ tăng dần 10 đơn vị. Các số ngoài cùng ở cuối mỗi hàng sẽ là các số tròn chục từ 10, 20, 30,… đến 100.
Với bảng số 100, giáo viên có thể loại bỏ một vài thẻ số trên bảng. Sau đó học sinh sẽ suy nghĩ và tìm cách lắp vào bảng các số còn thiếu. Ngoài ra với học sinh ở lứa tuổi nhỏ hơn (3-5 tuổi), giáo viên sẽ bắt đầu từ 1 đến 10 và nâng dần độ khó lên. Việc loại bỏ và đặt lại các thẻ số này giúp hình thành cho học sinh những cảm nhận rõ ràng về sự liền mạch, tăng tiến hoặc giảm dần của dãy số. Để sử dụng bảng số tối ưu hơn, các giáo viên có thể đặt câu hỏi cho học sinh, rằng tại sao các con lại điền được các ô số còn trống và các con đã tư duy như thế nào.
Khi sử dụng bảng số 100, ta sẽ bỏ qua việc đếm và làm phép nhân. Giáo viên có thể chọn một ô số bất kỳ, cho học sinh nhận diện con số và đọc to sau đó tô màu hoặc đánh dấu vào trong bảng trên giấy của mình.
-
Ý nghĩa, giá trị thực tiễn của bảng số 100 trong việc giảng dạy:
Đầu tiên, bảng số 100 giúp phát triển nhận thức của học sinh về sự phát triển của dãy số sau khi đã nắm được quy luật cơ bản từ 1 đến 10 và từ 11 đến 20. Phương pháp này dựa theo mô hình giáo dục tư duy của Montessori, tức là cho học sinh tự quan sát và đặt câu hỏi trong suốt quá trình tiến hành hoạt động cùng giáo viên trên lớp để qua đó tự rút ra quy luật của dãy số, tự sửa sai cũng như nắm được nguyên tắc hoạt động của bảng số.
Để tiếp cận và tương tác với các hoạt động trong lớp học bằng bảng số 100, học sinh cũng được làm quen với các khái niệm mới (VD: dòng, cột, liền trước, liền sau, đường chéo, số tròn chục, hàng chục, hàng đơn vị,…). Đồng thời học sinh cũng được học cách tự tư duy, rút ra quy luật theo ý hiểu của mình để hình thành nên những cảm nhận riêng về dãy số từ 1-100. Điều đó có nghĩa là, bảng số 100 giúp phát triển và hình thành cho trẻ tư duy phản biện và nhận biết về các khái niệm.
Với những học sinh mới chỉ học qua 10 số cơ bản (từ 1-10), bảng số 100 sẽ giúp các em tiếp cận với khái niệm về số có 2 chữ số. Khi so sánh với các học cụ khác, ví dụ như khối ghép, bảng số 100 vẫn mang tính trực quan hơn và ít phức tạp hơn. Chẳng hạn, ta sẽ biểu thị số 10 bằng một khối ghép 10, tuy nhiên điều này sẽ rất mất thời gian với những số lớn. Bảng số 100 vừa giúp học sinh có thể nhận mặt số, đọc số, vừa hiểu được sự tương quan giữa số đó với các ô số xung quanh.
Cuối cùng, bảng số 100 sẽ giúp học sinh học về phép cộng và phép trừ theo một cách trực quan hơn. Bằng việc nắm được quy tắc ô liền sau hơn ô liền trước 1 đơn vị (xét trong cùng một dòng) và ô ở dưới hơn ô nằm trên 10 đơn vị (xét trên cùng một cột), học sinh có thể dễ dàng làm các phép tính từ một chữ số đến hai chữ số trong phạm vi 100. Khi đã dần quen thuộc với việc tính toán trên bảng số, học sinh sẽ mất ít thời gian hơn khi làm các phép tính nhẩm và cũng sẽ ra kết quả chính xác hơn ở từng phép tính.
-
Một số hoạt động, trò chơi với bảng số 100
Ngoài hoạt động cơ bản với bảng số là lấy đi các ô số và yêu cầu học sinh điền vào các ô số còn thiếu đó, giáo viên có thể tổ chức một vài hoạt động dạy con số học sau đây với bảng số 100:
- “Con số bí ẩn”: Học sinh sẽ ghép cặp với nhau để thực hiện hoạt động này. Một người sẽ chọn một con số bí ẩn và người còn lại sẽ hỏi các câu hỏi để lấy thông tin về con số đó. Cứ như thế lần lượt cho đến khi giáo viên kết thúc hoạt động.
- “Cuộc đua đến số 100”: có thể chơi theo cặp hoặc chơi theo nhóm. Lần lượt 2 bên sẽ tung xúc sắc. Con số xuất hiện trên xúc sắc sẽ là số ô mà bên đó được phép di chuyển. Bên nào tới ô số 100 trước sẽ giành chiến thắng.
- “Hoàn thành các miếng ghép”: Giáo viên có thể cắt các miếng ghép nhỏ từ bảng số 100 và yêu cầu học sinh hoàn thành các miếng ghép đó bằng cách điền vào các ô số còn thiếu. Hoạt động này có thể tiến hành theo nhóm hoặc làm cá nhân.
Ngoài ra giáo viên có thể kết hợp bảng số 100 với các học cụ khác (tự thiết kế hoặc có sẵn) để đa dạng hóa các hoạt động trong lớp học.
Tìm hiểu thêm tại: https://www.facebook.com/CMSeduvietnam/ hoặc website: https://cmsedu.vn/
Facebook Twitter Google+ Phân biệt mặt trước mặt sau của một đối tượng là bước cơ bản nhất trong việc phát triển nhận thức về không gian của trẻ. Nhưng chính xác thì nhận thức […]
Facebook Twitter Google+ Chúng ta đều biết rằng trẻ em ở độ tuổi đi học (từ 7 đến 11 tuổi) suy nghĩ có hệ thống về nhiều chủ đề dễ dàng hơn so với trẻ […]
Facebook Twitter Google+ Các bậc phụ huynh thường rất ngạc nhiên bởi sự sáng tạo và suy nghĩ táo bạo của con cái mình. Sự thật là, trẻ con sáng tạo hơn bất kì người […]