Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên mônCÓ THỂ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH ĐÃ BỊ BỎ QUÊN?
Dạy dỗ trẻ nhỏ là một nghề nghiệp mà chúng ta phải biết cách lãng phí thời gian để tiết kiệm nó.
(The training of children is a profession, where we must know how to waste time in order to save it.)
– Jean Jacques Rousseau –
Cha mẹ nào cũng có thể thốt lên: xã hội bây giờ khác xưa quá, internet & mạng xã hội phát triển mạnh mẽ khiến cuộc sống thực mà lại như “thực tế ảo”, khiến chúng ta có hết nỗi lo này đến nỗi lo khác. Bây giờ, mỗi gia đình đâu chỉ còn lo miễng cơm manh áo, mà còn phải lo cả những “bệnh xã hội“ lúc nào cũng có thể xâm nhập vào con mình: nhẹ thì con lười học, thành tích không cao; nặng thì con ham chơi, nghiện game, nói dối, lêu lổng. Nhiều cha mẹ cho rằng “nhà trường sẽ phải thay đổi và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trưởng thành của học trò – con cái của họ”. Nên họ bất mãn, họ đổ lỗi cho nhà trường, cho nền giáo dục trong việc để xảy ra rất nhiều bất cập trong chất lượng giáo dục hiện nay.
Hãy cùng theo dõi một cuộc khảo sát. Trong khảo sát này, các bạn nhỏ tham gia phỏng vấn trả lời các câu hỏi: “Ở nhà, bố mẹ con làm gì?”, “Ai giúp con trong việc học?”, “Ai chơi và trò chuyện cùng con?”. Sau đây là những kết quả điển hình.
Trường hợp thứ nhất:
Bố con đi làm về muộn hơn mẹ con. Mẹ con nấu ăn, bố con xem điện thoại. Sau khi nấu cơm và dọn dẹp, bố mẹ con, mỗi người một chiếc điện thoại. Có lúc bố con làm việc trên máy tính. Cô gia sư dạy cho con. Con có bài khó, hỏi bố mẹ, bố mẹ sẽ điện thoại cho cô giáo của con. Ở nhà, thỉnh thoảng bố mẹ nói chuyện với con, nhưng chỉ khi xem ti-vi và ăn thôi. Bố mẹ nói chuyện với nhau, và hỏi con xem hôm nay học thế nào, có bị phê bình, có được điểm cao không. Cuối tuần bố mẹ có cho con đi chơi, bố mẹ cho con đi học thêm năng khiếu, kĩ năng sống.
Trường hợp thứ hai:
Bố con và mẹ con thỉnh thoảng về muộn. Vì bố con làm tự do. Bố con đi tập thể thao, đi chơi nhà hàng xóm, khuya bố con mới về. Mẹ bảo mẹ không hiểu biết gì nên đừng hỏi mẹ. Bố mẹ chỉ thúc giục con học thôi. con sẽ sang nhà bạn hỏi bài hoặc đợi đến lớp hỏi cô giáo. Ông nội thỉnh thoảng nói chuyện với con. Con không phải làm vườn, bố bảo chỉ cần học giỏi thôi, nếu học giỏi thì không phải làm gì cả.
Trường hợp thứ ba:
Bố và mẹ con đều làm tự do. Thỉnh thoảng mẹ con mới về nhà. Vì mẹ con ở trên thành phố. Bố con ở nhà. Bố con hay đi họp họ, đi chơi nhà hàng xóm. Bố bảo học trên lớp đủ rồi. Về nhà thích làm gì thì làm, đừng quấy bố. Con rất ngại hỏi bố hay ông bà. Con thích hỏi các bạn.
Việc nuôi dạy trẻ rất vất vả, nhưng cũng đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc lớn lao. Nhưng khi ta nói đến khái niệm “hạnh phúc” trong khi ít gia đình quan tâm đến điều đó thì những chân lí sẽ trở thành sáo rỗng. Ở mỗi thời kì xã hội, những triết gia thường bắt đầu luận bàn từ “gia đình” – họ luôn coi đó là “tế bào” của xã hội. Gia đình vừa là cái nôi giáo dục trẻ em, vừa là “đối tượng” của nền giáo dục. Khi bàn luận về thực thi giáo dục mà quên giáo dục gia đình thì thật sự là sai lầm lớn.
Những thói quen của trẻ ở gia đình sẽ theo suốt cuộc đời trẻ. Dù được uốn nắn và bắt buộc phải thể hiện khác đi ở một môi trường nào đó, nhưng tất cả người lớn đều đã từng thốt lên rằng : càng lớn tôi càng giống mẹ (bố) tôi. Các nghiên cứu cho thấy, tụi nhỏ đều mong muốn được vui vẻ ở gia đình. Nếu cha mẹ chúng không có sự rạng rỡ, tự tin, rất ít khi tụi nhỏ làm được điều đó.
Mô hình giáo dục suốt đời
Về niềm tin, nếu cha mẹ không nỗ lực trong việc tạo ra xã hội tốt đẹp hơn, lúc nào cha mẹ cũng than vãn chán đời, thấy mình bị đối xử không công bằng, … thì đứa trẻ chẳng bao giờ tin vào điều tốt, và khả năng tạo ra thứ tử tế từ chính bản thân mình. Chúng ta đều biết, mầm mống của tội phạm, của sự phá hoại, bệnh tâm lí, … cũng chính từ sự thiếu tích cực và không tin vào sự công bằng. Có nhiều đứa trẻ đã nhuốm màu chán đời từ cha mẹ chúng. Nên chúng không còn sự tích cực trong cuộc sống, trong học tập, trong các mối quan hệ.
Về nề nếp, những đứa trẻ ăn sáng, ăn tối cùng gia đình thì thích nói chuyện với cha mẹ, càng có thể lực tốt, càng trả lời chính xác trong khảo sát học lực (đó là nghiên cứu của người Nhật !).
Về nghề nghiệp, chẳng ai tác động đến việc chọn nghề của đứa trẻ bằng cha mẹ chúng. Nếu cha mẹ chúng chê bai một nghề nào đó, chắc rằng tụi nhỏ sẽ thấy nghề đó chẳng tốt đẹp gì và tránh xa khi lựa chọn. Chẳng hạn, cha mẹ cứ chê nghề nào là nghèo, là khổ, …thì tụi nhỏ thường muốn xa lánh, kì thị về nghề đó. Trong một khảo sát khác, chúng tôi thu nhận được một số trẻ em trước 8 tuổi có ước mơ: “con sẽ làm giáo viên”, “sau này con sẽ là cô giáo”. Nhưng đến 15 tuổi, các em không còn có ước mơ đó nữa, tương tự như vậy, những nghề khối kĩ thuật, phải làm việc ở công trường, phải chịu nắng gió, dầu máy, … nên tụi nhỏ chẳng thích và không có ý định rèn luyện để thành thạo được “kĩ thuật”. Ngược lại, khi bố mẹ ca ngợi việc kiếm tiền, tụi nhỏ rất chú ý đến những nghề lương cao, hoặc những công việc không cần “nghề” nhưng có thu nhập tốt là được.
Trước kia, người ta cho rằng chỉ cần giáo dục cho những đứa trẻ, đến khi chúng lớn lên, thì chúng phải tự giáo dục, và chúng sẽ thay đổi xã hội, giúp gia đình khấm khá, phát triển, rằng “tương lai thuộc về thế hệ trẻ”. Điều đó không hề sai. Tuy nhiên, điều đó không tự nhiên đến được nếu chỉ cho rằng “tự đứa trẻ đó sẽ học được điều tốt nhất” mà quên mất rằng, cha mẹ/ gia đình của chúng đã tạo ra nền tảng cho chúng. Hơn nữa, ngày nay, sự phát triển của công nghệ, của tri thức, khiến xã hội thay đổi không ngừng. Chính người lớn cũng khó đủ sức để thích nghi và tự mình làm chủ.
Ở các nước phát triển “giáo dục người lớn” trong đó có “giáo dục gia đình” trở nên quan trọng. Trước khi làm cha mẹ, người lớn cần được giáo dục cho việc sẵn sàng cho một gia đình mới. Từ việc chăm sóc sức khỏe bản thân, cho bạn đời, cho đứa trẻ, cho giải quyết những xung đột khi sống chung cho đến việc chuẩn bị những triết lí gia đình, cùng con cái tham gia những vấn đề của xã hội, của nhà trường. Về sau này, khi con cái trưởng thành, những người cha, những người mẹ, những gia đình vẫn được tham gia, hưởng thụ từ giáo dục trong việc bảo vệ gia đình và từng thành viên.
Ở Việt Nam, những người lớn thường không tham gia hoạt động giáo dục (chúng ta phân biệt với hoạt động đào tạo nghề, học để lấy bằng cấp chuyên môn). Một số nhà trường cho biết, rất nhiều cha mẹ chỉ coi việc họp phụ huynh là “nghĩa vụ”; khi giáo viên đề nghị phụ huynh quan sát con, lắng nghe con, trao đổi giảng giải cho con, họ thường nói “ tôi bận lắm”, … Hay qua khảo sát ban đầu, chúng ta đã hình dung được ba kiểu gia đình trẻ khá phổ biến hiện nay, họ rất ít quan tâm đến việc giáo dục con cái ngay từ trong gia đình. Việc tham gia giáo dục con cái, việc nhận thức về được giáo dục của những gia đình đó còn nhiều hạn chế, có thể họ đã bỏ quên, xã hội cũng đã bỏ quên. Không có đứa trẻ nào giống nhau, nhưng những kiểu gia đình thường được nhân ra theo kiểu “tế bào”, và ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ. Chúng ta lưu ý điều đó để tế bào mình sản sinh ra giúp chúng ta hạnh phúc và phát triển.
Theo: PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Bài đăng trên Tạp chí Phụ nữ, tháng 10/2017
Facebook Twitter Google+ Phân biệt mặt trước mặt sau của một đối tượng là bước cơ bản nhất trong việc phát triển nhận thức về không gian của trẻ. Nhưng chính xác thì nhận thức […]
Facebook Twitter Google+ Chúng ta đều biết rằng trẻ em ở độ tuổi đi học (từ 7 đến 11 tuổi) suy nghĩ có hệ thống về nhiều chủ đề dễ dàng hơn so với trẻ […]
Facebook Twitter Google+ Các bậc phụ huynh thường rất ngạc nhiên bởi sự sáng tạo và suy nghĩ táo bạo của con cái mình. Sự thật là, trẻ con sáng tạo hơn bất kì người […]