Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên mônLàm gì khi học sinh thiếu kỷ luật?
Vấn đề thiếu kỉ luật của học sinh có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó trong mọi lớp học. Có những giáo viên sẽ nhanh chóng giải quyết một cách ổn thỏa và trôi chảy. Nhưng trong nhiều trường hợp, vấn đề kỉ luật liên tục lặp đi lặp lại, thậm chí xảy ra hết lớp này đến lớp khác. Làm thế nào để giải quyết vấn đề thiếu kỉ luật của học sinh trong lớp học? Dưới đây là một số kinh nghiệm mà giáo viên có thể áp dụng với lớp học của mình.
- Xác lập kì vọng ngay từ đầu
Ngay từ khi bắt đầu năm học mới, hãy đặt ra những kỳ vọng rõ ràng về hành vi cho học sinh. Hãy cho học sinh biết điều gì là chấp nhận được và điều gì là không, những hệ quả khi vi phạm nội quy là gì? Đừng vì muốn tạo ấn tượng và thu hút sự chú ý của học sinh trong buổi đầu mà bỏ qua điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn đã trót bỏ qua thời điểm đầu năm học, thì hãy bắt đầu việc xác lập lại các kì vọng vào tuần mới, tháng mới hoặc học kì mới. Hãy nhớ rằng, khi bạn không cho học sinh biết rõ kì vọng của bạn, học sinh sẽ không thể thực hiện đúng theo những gì mà bạn mong muốn.
- Cùng xây dựng nội quy
Hãy để học sinh tham gia vào việc xây dựng các nội quy cho lớp học của chúng. Trước khi đưa ra một loạt các quy tắc trong lớp học, hãy hỏi học sinh xem con muốn một môi trường lớp học như thế nào? Con muốn giáo viên sẽ hành xử ra sao? Con muốn các bạn sẽ đối xử với nhau theo những nguyên tắc nào? Nếu một người vi phạm thì hậu quả sẽ là gì?… Bằng cách hướng dẫn một cuộc thảo luận trong lớp, học sinh sẽ xác định một bộ quy tắc đáp ứng cả tiêu chí của chính bản thân chúng và của giáo viên. Khi học sinh đặt ra nội quy, con sẽ tuân thủ và thực hiện tốt hơn các nội quy đó.
- Liên hệ với phụ huynh
Tùy thuộc vào nơi bạn giảng dạy và đặc điểm đối tượng học sinh của bạn mà phụ huynh có thể hỗ trợ bạn rất nhiều trong các vấn đề liên quan đến kỉ luật của lớp học. Có thể có nhiều phụ huynh sẽ đứng về phía con họ khi xảy ra các xung đột ở trường học, nhưng nếu bạn cung cấp đầy đủ thông tin và làm rõ những điều mình mong muốn, rất có thể phụ huynh sẽ đứng về phía bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn lợi dụng áp lực từ cha mẹ học sinh mà chỉ là chủ động đề nghị sự hỗ trợ của phụ huynh trong các tình huống cần thiết.
- Mời các tình nguyện viên
Tùy thuộc vào độ tuổi của học sinh, bạn thậm chí có thể mời phụ huynh học sinh tham gia vào lớp học với tư cách là tình nguyện viên trong một ngày. Học sinh có thể sẽ có cách hành xử tốt hơn nếu cha mẹ chúng xuất hiện trong lớp học. Không chỉ vậy, nếu cha mẹ học sinh và giáo viên thường xuyên tương tác với nhau sẽ giúp giải quyết các vấn đề về hành vi ngay từ khi nó mới xuất hiện. Điều này cũng tránh các vấn đề mâu thuẫn hay xung đột về sau.
- Mời một giáo viên khác đến lớp học
Nếu học sinh của bạn đã quen với cách bạn điều hành lớp học và nắm được điểm yếu của bạn trong việc duy trì kỉ luật của lớp thì việc có một giáo viên khác dạy một hoặc nhiều tiết có thể sẽ làm thay đổi không khí và hạn chế bớt các vấn đề về hành vi. Cách làm này cũng làm cho học sinh được thay đổi phong cách học tập, được thay đổi không khí lớp học và giáo viên mới cũng dễ dàng hơn trong việc xác lập những kỉ luật, nội quy mới cho lớp.
- Tìm kiếm nguyên nhân của các vấn đề về hành vi
Hãy suy nghĩ về lý do đằng sau các vấn đề về hành vi của học sinh. Đôi khi những gì mà giáo viên nhìn thấy lại không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Đó có thể là do những vấn đề từ sự thay đổi tâm sinh lý. Đó cũng có thể là do những xung đột, đổ vỡ trong các mối quan hệ khác của học sinh. Đó cũng có thể là do tác động từ kết quả học tập không như ý muốn,… hãy cố gắng xem xét nó và giải quyết những nguyên nhân ẩn sau các vấn đề về hành vi của người học. Ví dụ, học sinh của bạn có cần thêm sự tin tưởng, hay cần cảm giác thành công, hay nhu cầu được tôn trọng, được đối xử bình đẳng…. Bằng cách giải quyết tận gốc vấn đề hơn là các triệu chứng, bạn sẽ có một lớp học được quản lý thực sự hiệu quả.
- Vấn đề của những học sinh thông minh
Cũng có thể một vài học sinh có hành vi không phù hợp vì chúng cảm thấy nhàm chán trong lớp học. Chúng thấy các bài tập quá dễ, hoạt động của giáo viên quá đơn giản. Chúng hoàn thành bài tập quá nhanh và không còn việc để làm. Chính vì thế, việc đặt học sinh đó vào vai trò lãnh đạo có thể mang lại những thử thách mới giúp học sinh không cảm thấy buồn chán và có cảm giác được tôn trọng và ghi nhận. Điều này cũng giúp hạn chế đáng kể các vấn đề về hành vi trong lớp học.
- Liên tục thay đổi trạng thái
Hãy nhớ khoảng thời gian tập trung chú ý của học sinh trong lớp không thể kéo dài suốt từ đầu đến cuối tiến học. Theo quy tắc, ước tính khoảng thời gian chú ý học sinh là một phút cho mỗi năm tuổi. Điều đó có nghĩa là học sinh lớp 1 (6 – 7 tuổi ) sẽ đạt được sự chú ý tối đa sau bảy phút. Chính vì thế, giáo viên cần liên tục thay đổi trạng thái của học sinh trong quá trình học tập. Có thể cho học sinh di chuyển, tương tác với các bạn trong nhóm hoặc đơn giản là đứng dậy và tập vài động tác thể dục. Điều này có thể làm giảm đáng kể việc học sinh cảm thấy nhàm chán trong lớp học và hạn chế được các vấn đề hành vi.
- Phản hồi chứ đừng phản ứng
Điều cực kỳ quan trọng là giáo viên phải nhớ rằng, hãy phản hồi chứ đừng phản ứng. Có một sự khác biệt lớn giữa hai khái niệm này. Phản ứng là hành động nhất thời, bột phát để đối phó với một vấn đề dựa trên cảm xúc ngay tại thời điểm đó. Phản hồi là quá trình đặt ra quy ước, kì vọng, xem xét mô tả lại hành vi, đưa ra quan điểm, cách giải quyết. Mặc dù phản hồi thường khiến giáo viên phải dừng lại mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ trước khi hành động và tách rời cảm xúc cá nhân ra khỏi các quyết định nhưng nó thực sự sẽ mang lại hiệu quả so với cách phản ứng ngay lập tức. Vì thế, đừng để cảm xúc của bạn lấn át quá trình suy nghĩ, hãy bình tĩnh và đưa ra những phản hồi hợp lý và có chủ đích.
- Kỉ luật cá nhân
Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, vẫn có những khoảnh khắc học sinh của bạn có hành vi nghiêm trọng hoặc lặp lại hành vi sai trái. Cách tốt nhất để giải quyết tình huống này là nhanh chóng tách học sinh khỏi lớp học để không làm gián đoạn việc học và không khí học tập của học sinh khác. Hãy nhớ, đừng phê bình nặng lời hay kỷ luật bất kỳ học sinh nào trước lớp. Thay vào đó, hãy chọn để những cuộc đối thoại, trao đổi cá nhân. Khi bạn tôn trọng học sinh của mình, học sinh cũng sẽ tôn trọng bạn hơn.
Bạn nên biết là không có lớp học nào là hoàn hảo, học sinh cũng có lúc này lúc khác và bạn cũng như vậy! Nhưng tại CMS chúng tôi luôn cố gắng làm tất cả để tạo nên một lớp học dân chủ, tích cực, khơi dậy được sự tự chủ và tự giác của học sinh. Mỗi ngày, lớp học của chúng tôi đều có những thay đổi mới mẻ và lớp học sẽ trở nên thực sự hiệu quả./.
Facebook Twitter Google+ Phân biệt mặt trước mặt sau của một đối tượng là bước cơ bản nhất trong việc phát triển nhận thức về không gian của trẻ. Nhưng chính xác thì nhận thức […]
Facebook Twitter Google+ Chúng ta đều biết rằng trẻ em ở độ tuổi đi học (từ 7 đến 11 tuổi) suy nghĩ có hệ thống về nhiều chủ đề dễ dàng hơn so với trẻ […]
Facebook Twitter Google+ Các bậc phụ huynh thường rất ngạc nhiên bởi sự sáng tạo và suy nghĩ táo bạo của con cái mình. Sự thật là, trẻ con sáng tạo hơn bất kì người […]