fbpx
Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên môn

Hoạt động Chơi Đùa ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới sự phát triển của trẻ em

15/01/2021 cms

Đối với Giáo dục giai đoạn đầu đời (Early Childhood Education) thì VUI CHƠI được cho là 1 hoạt động quan trọng nhất, ảnh hưởng cốt lõi đến sự phát triển vẹn toàn của trẻ em.

Vậy tại sao trẻ em cần vui chơi?

Năm 2016,tôi cùng đồng nghiệp thực hiện 2 hội thảo mang tên “Hiểu trẻ thông qua trò chơi” và “Play based-learning at home”–với mong muốn gửi đi thông điệp về sự quan trọng của hoạt động chơi đối với trẻ mầm non tới các thầy cô giáo và cha mẹ. Trong quá trình hỏi đáp, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi và thắc mắc như:
· Tại sao hoạt động chơi lại quan trọng tới vậy?
· Việc chơi của trẻ em có phải là 1 hoạt động tự nhiên của quá trình phát triển hay không?
· Có cần tới sự can thiệp của người lớn hay không?

Trước tiên chúng ta sẽ tiếp cận các kiến thức được trích dẫn từ lý thuyết phát triển. Đầu tiên là Jean Piaget – nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nổi tiếng về những nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em. Ông cho rằng quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ được đặc trưng bởi 2 cơ chính đó là “Đồng hoá” và “Điều ứng”.
“Cơ thể đồng hoá những yếu tố của môi trường vào những cơ cấu sẵn có của mình, đồng thời luôn luôn phải điều chỉnh những cơ cấu ấy để thích ứng với những biến đổi của môi trường. Khi hai quá trình đồng hoá và điều ứng ở thế cân bằng là đã thích nghi và ở mỗi thời kỳ tạo ra những cơ cấu và những cơ chế đặc biệt – Nguyễn Khắc Viện”.

Một điều quan trọng ở đây đó là, quá trình Đồng hoá và Điều ứng của trẻ phần nhiều được diễn ra dưới dạng thức “trò chơi”. Trẻ đồng hoá hành động bú ti mẹ vào trò chơi mút tay hay mút bất kỳ vật nào trong tầm với của chúng. Lớn hơn một chút, khi trẻ bước tới thời kỳ của tư duy biểu trưng, chúng đồng hoá thông qua việc chơi những trò chơi giả vờ. Thế giới thực được một lần nữa tái hiện lại dưới cái dạng thức trò chơi của trẻ khi mà bà phù thuỷ có thể được hiểu bằng 1 chiếc chổi, bà tiên có thể xuất hiện dưới dạng thức 1 chiếc “ đũa thần” và chỉ một mảnh vải nhỏ cũng có thể biến con trở thành Siêu nhân… Trẻ em sáng tạo nên thế giới lần thứ hai dưới sự hoạt động của tâm trí trong quá trình chơi, chúng đồng thời tái tạo và sáng tạo thực tại, biến đổi thế giới quan sao cho phù hợp với năng lực của bản thân và biến đổi bản thân sao cho phù hợp với yêu cầu của hiện tại.

Piaget cũng nhấn mạnh “Trò chơi như là con đường chính để học tập”.Có thể tổng kết quan điểm của Piaget về vao trò của hoạt động chơi với sự phát triển của trẻ như sau:
• Là biểu hiện ra bên ngoài của trí thông minh
• Là hình thức giúp trẻ bộc lộ cảm xúc
• Giúp trẻ tiếp nhận kiến thức về cuộc sống 1 cách phù hợp nhất
• Rèn luyện các kỹ năng, thao tác phù hợp với lứa tuổi
• Là cầu nối giữa nội tâm của trẻ và thế giới bên ngoài

Cùng thời với Piaget, nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky cho rằng hoạt động chơi của trẻ xuất phát từ nguồn gốc xã hội. Thông qua các trò chơi của mình trẻ tái dựng lại thế giới xung quanh mình và học cách hoà nhập với thế giới đó. Các dạng thức trò chơi như: Chơi giả vờ, chơi theo luật lệ, chơi đóng vai theo chủ đề hay chơi xây dựng… đều nhằm mục đích phát triển các năng lực và kỹ năng để chuẩn bị cho quá trình hoà nhập với xã hội của trẻ em.

Vygotsky cũng cho rằng trò chơi là nơi mà những đứa trẻ học hỏi kiến thức lẫn nhau rồi sau đó mới biến kiến thức này thành của mình. Quan điểm của ông ngược lại với Piaget đó là: Kiến thức đến lần 1 từ người khác sau đó mới nhập vào thành kiến thức của cá nhân. Trong lý thuyết của Vygotsky cũng có đề cập tới các khái niệm:
· Vùng phát triển gần: Những việc trẻ có thể làm được dưới sự hướng dẫn của người khác
· Bắc giàn giáo: Cách mà những người hướng dẫn giúp trẻ “leo” lên một nấc thang mới trong quá trình phát triển
· Người hiểu biết hơn:Đề cập đến một người có hiểu biết hoặc trình độ năng lực cao hơn so với người học đối với một nhiệm vụ, quá trình hay khái niệm mới (hiện nay các nhà lý thuyết cho rằng ngay cả máy tính, sách báo… cũng được coi là người hiểu biết hơn).

Trong chính quá trình chơi, khi mà trẻ nhỏ tương tác với người lớn hoặc bạn đồng lứa chúng hoàn toàn có khả năng đạt được vùng phát triển gần nhất, hoặc tiến lên một vùng phát triển hơn thông qua sự “Bắc giàn” vô tình hay hữu ý từ phía những “người hiểu biết hơn”. Chính Vygotsky đã từng phát biểu rằng “Trong khi chơi, trẻ dường như vĩ đại hơn chính bản thân mình (Vygotsky, 1930–1935/1978, p. 102)”

Phần lớn nghiên cứu về trò chơi cho thấy mối quan hệ của nó với sự phát triển tư duy của trẻ và kỹ năng phân loại tinh vi hơn (Frost, Wortham, & Reifel, 2001; Perkins, 1984; Santrock, 2003) và khả năng sử dụng những gì họ đã biết để xây dựng mới hiểu biết. Chơi giúp trẻ em tiếp thu được nhiều hệ thống quy tắc liên quan đến ngôn ngữ mà các em đang nói. Nó cũng giúp trẻ tạo ra nhiều cách diễn đạt suy nghĩ của chúng (Santrock, 2003).

Nguyễn Minh Thành. Thạc sỹ khoa học, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển và Giáo Dục. Tác giả cuốn sách best-seller “Thực hành Giáo Dục Nhân Cách”

Comments

Chia sẻ khác
Đăng ký khóa học

Đăng ký khóa học

Chúng tôi cam kết thông tin của bạn sẽ được giữ bảo mật.