fbpx
Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên môn

7 CÁCH GIEO MẦM NĂNG LỰC TƯ DUY CHO TRẺ

03/12/2020 cms

Trên hành trình bồi dưỡng năng lực tư duy cho trẻ, chắc hẳn sẽ có những lúc Ba Mẹ cảm thấy hoang mang khi chưa thấy được sự tiến triển của con. Đôi khi, vấn đề đến từ chính phương pháp tiếp cận của Ba Mẹ. Sau đây là 7 cách để Ba Mẹ gieo mầm năng lực tư duy vào con trẻ trong cuộc sống hằng ngày:

Hỏi những câu hỏi đóng-mở
Lần cuối cùng bạn đọc sách cùng con là khi nào? Khi đọc sách cùng con, bạn có đặt thêm những câu hỏi về câu chuyện không? Đó là những câu hỏi mở hay câu hỏi đóng? Những câu hỏi mà trẻ chỉ trả lời bằng một từ được coi là câu hỏi đóng. Nếu liên tục chỉ hỏi những câu hỏi đóng sẽ khiến trẻ bị bó hẹp khả năng suy nghĩ. Bạn nên sử dụng xen kẽ cả câu hỏi mở và câu hỏi đóng để giúp tư duy của trẻ trở nên linh hoạt. Câu hỏi đóng chỉ sử dụng khi cần định hướng suy nghĩ cho trẻ. Bạn cần tăng cường những câu hỏi yêu cầu trẻ suy nghĩ để đưa ra phản ứng và cung cấp đầy đủ vốn từ. Đừng quên cho các bé đủ thời gian để tìm kiếm, tổng hợp thông tin. Nếu trẻ không nghĩ ra, hãy đưa những gợi ý nhỏ, hướng dẫn bé quay lại những phần đúng.

Tạo môi trường – nơi những đứa trẻ không sợ sai
Việc dạy tư duy sáng tạo rất quan trọng nhưng nó sẽ không có tác dụng nếu trẻ không dám giơ tay tham gia vào những thử thách hay đơn giản là trả lời các câu hỏi. Thường thì trẻ nhỏ lưỡng lự trả lời câu hỏi là vì trẻ lo sợ mọi người sẽ trêu chọc, đánh giá nếu như trẻ trả lời sai. Thay vào đó, để nuôi dưỡng kỹ năng tư duy sáng tạo, cần tạo ra một môi trường lớp học hoặc gia đình, nơi trẻ có thể cảm thấy tự do suy nghĩ, tìm tòi mà không màng tới những nỗi sợ bị mọi người cười chê.

Để làm điều đó, trẻ cần phải hiểu rằng đôi lúc làm sai cũng sẽ không sao cả và cách học tốt nhất thường là học qua những lỗi lầm. Tạo ra một mối quan hệ vững chắc để đảm bảo rằng trẻ biết đang được quan tâm và được coi chúng như những người bạn. Từ đó, trẻ sẽ sẵn lòng chấp nhận rủi ro, suy nghĩ kỹ hơn, thoải mái trả lời và đưa ra những ý tưởng ngay cả khi có thể trẻ sẽ sai.

Kết nối những ý tưởng khác biệt và tìm ra mối quan hệ giữa chúng.
Những cuộc trò chuyện tại lớp hay trong gia đình, những trò chơi, hoạt động,… đều là thời điểm quan trọng giúp kết nối những suy nghĩ, ý tưởng khác biệt với nhau. Ví dụ, trong một buổi cả gia đình cùng chọn lọc quần áo ủng hộ đồng bào lũ lụt, trẻ có thể đặt những câu hỏi như: Làm thế nào để mang quần áo đến vùng lũ? Nên mang đến vào thời điểm nào? Những người ở vùng lũ cần thêm những gì nữa?… Đây là cơ hội tuyệt vời để kết nối những ý tưởng khác biệt, mới lạ trong phạm vi phù hợp với độ tuổi như sự nghèo đói hay vấn đề gia đình, thể hiện tình yêu thương với những người xung quanh,…

Xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau
Thường thì trong suy nghĩ của trẻ nhỏ luôn tin rằng chỉ có duy nhất một cách làm đúng, nhưng trong thực tế, mỗi người là một sự khác biệt và việc đúng – sai lại phụ thuộc vào những ý kiến thay đổi trong các chủ đề phức tạp. Do đó, người lớn cần hỗ trợ và khuyến khích trẻ tìm kiếm và thử nhìn ở những góc khác nhau. Điều đó không chỉ giúp trẻ suy nghĩ một cách sáng tạo mà còn giúp trẻ cảm thông với mọi người.


Kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo
Chúng ta đều biết trẻ nhỏ có một trí tưởng tượng vô cùng rộng lớn và phong phú. Điều quan trọng là làm sao để tận dụng tối đa lợi thế đó. Để làm điều đó, hãy nghĩ về việc học dựa trên các dự án và cho phép trẻ tìm tòi, khám phá, tự lựa chọn chủ đề trẻ yêu thích và tìm hiểu sâu về nó. Ví dụ như khám phá khoa học, nghệ thuật,… Hãy nhớ rằng, sự sáng tạo không bao giờ đồng hành cùng sự buồn chán.

Hợp tác – làm việc như những người bạn
Làm việc hợp tác với những bạn cùng lứa tuổi sẽ giúp trẻ tự tin nêu quan điểm. Nếu bạn là giáo viên, hãy lập kế hoạch làm việc nhóm cho phép các thành viên có cơ hội đưa ra những ý tưởng. Nếu bạn là cha mẹ, bạn cần tìm ra cách để con của bạn có thể làm việc cùng những đứa trẻ khác: hàng xóm, anh chị em trong nhà, trong họ trong các buổi họp gia đình, các cuộc đi chơi với phụ huynh cùng lớp,…

Sử dụng những dẫn chứng để đặt câu hỏi sáng tạo
Một trong những cách tốt nhất nếu trẻ đang cần phát triển kỹ năng, trở thành người suy nghĩ sáng tạo đó là quan sát phản ứng của trẻ đối với mỗi bài học. Cách trẻ nhìn vào các dẫn chứng, chi tiết để đưa ra kết luận, là cách trẻ tự đặt các câu hỏi cho chính mình. Đó là những câu hỏi liên quan đến những gì trẻ quan sát, học được hay chỉ là những câu hỏi ngẫu nhiên? Hướng dẫn trẻ sáng tạo ra những câu hỏi cho chính chúng dựa vào những gì trẻ đã được học từ trước sẽ giúp trẻ suy nghĩ sâu rộng hơn. Ngoài ra, trẻ sẽ học được cách đặt câu hỏi như thế nào giúp thúc đẩy việc học tập lên tầm cao hơn. Trẻ sẽ không rút ra được các kết luận, bài học nếu không có tư duy phân tích.

Việc dạy kỹ năng tư duy sáng tạo cần được coi là một quá trình cần được thúc đẩy thường xuyên với sự kiên trì. Đây cũng chính là những điều CMS Edu đang hướng tới và thực hiện với bằng một chương trình khác biệt và phương pháp được lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn phát triển tư duy cho trẻ.

Comments

Chia sẻ khác
Đăng ký khóa học

Đăng ký khóa học

Chúng tôi cam kết thông tin của bạn sẽ được giữ bảo mật.