fbpx
Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên môn

6 BƯỚC KỸ NĂNG TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO TRẺ

22/02/2019 cms

Kỹ năng tư duy phản biện là một trong những kĩ năng quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên. Tính đến tháng 6.2018, Việt Nam có đến 200.000 sinh viên thất nghiệp. Theo các nhà tuyển dụng, sinh viên hiện nay phần lớn thiếu kĩ năng mềm. Và vì vậy, họ đã lỡ mất cơ hội nghề nghiệp của mình.

Ngày nay, nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nền giáo dục của chúng ta còn đang ở trình độ 0.4 vậy hãy khoan nói đến cuộc cách mạng 4.0. Thật vậy, hiện nay Việt Nam có đến 84% lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đồng nghĩa với lao động đơn giản. Nếu không có những biện pháp để thay đổi kịp thời, nước ta sẽ mãi là một nước nghèo đói, thụt lùi so với bước tiến của thế giới.

Vậy hiểu như thế nào cho đúng về tư duy phản biện???

Không nên nhầm lẫn tư duy phản biện với việc thích tranh cãi hay chỉ trích người khác. Tư duy phản biện (Critical thinking) là khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về điều mà trẻ tin vào hay những gì trẻ đang làm. Điều này bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking).

Tư duy phản biện không chỉ là tích lũy thông tin. Một đứa trẻ có trí nhớ tốt và biết nhiều thứ không hẳn là sẽ có tư duy phản biện tốt. Nhưng một đứa trẻ có tư duy phản biện có thể suy ra hệ quả từ những gì chúng biết. Chúng sử dụng những thông tin đó để giải quyết vấn đề. Đồng thời trẻ cũng chủ động tìm kiếm những nguồn thông tin liên quan để tăng hiểu biết của mình về vấn đề đó.

Ai cũng có thể nghĩ nhưng nghĩ đúng đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và nghiêm túc.

Quá trình hình thành kỹ năng tư duy phản biện diễn ra theo mô hình sau:

Quá trình hình thành kỹ năng tư duy phản biện

Trẻ có tư duy phản biện thường có thể:

– Hiểu sự liên kết về mặt logic giữa các quan điểm.

– Nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận.

– Tìm ra những điểm không nhất quán và lỗi sai phổ biến trong cách lập luận.

– Giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống.

– Nhận dạng sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng.

– Phân tích cách lập luận và sự đúng đắn trong quan điểm, niềm tin của người khác.

Thiếu tư duy phản biện, suy nghĩ của trẻ sẽ đi theo lối mòn rập khuôn. Trẻ không am hiểu bản chất của những việc mình đang chấp thuận hay đang làm. Đồng thời trẻ cũng mất đi khả năng sáng tạo, không đáp ứng được xu thế của thời đại.

Để có kỹ năng tư duy phản biện cần rèn luyện tốt những khả năng sau đây:
Thứ nhất – Khả năng quan sát:

Quan sát ở đây không phải chỉ là nhìn mà còn phải hiểu được đối tượng. Mỗi đứa trẻ có một trình độ khác nhau trong việc “nhìn hiểu”. Việc này cũng tương tự như khả năng “Nghe” và “Nghe hiểu”, hay “Đọc” và “Đọc hiểu”. Kết quả của quan sát đúng cách là trẻ hiểu được bản chất đằng sau vẻ bề ngoài của đối tượng.

Thiếu kỹ năng tư duy phản biện, suy nghĩ của trẻ sẽ đi theo lối mòn rập khuôn
Thiếu kỹ năng tư duy phản biện, suy nghĩ của trẻ sẽ đi theo lối mòn rập khuôn

Tư duy phản biện bắt nguồn từ việc mỗi sự vật hiện tượng đều có tính hai mặt. Tư duy phản biện giúp trẻ nhìn ra được khía cạnh của vấn đề mà ít người có thể nhận thấy.

Thứ hai – Luôn luôn tò mò và chủ động tìm kiếm câu trả lời:

Sau khi hiểu được bản chất, trẻ có thể bắt đầu nhìn nó dưới nhiều góc độ khác nhau. Lúc này việc đặt ra các câu hỏi sẽ rất có ích trong việc tư duy. Đặc biệt là câu hỏi Tại sao? Làm thế nào? Liệu có cách nào khác? Phụ huynh có thể tham khảo phương pháp gợi hỏi Maieutic cho trẻ.

Quan trọng là phải hướng trẻ tư duy thêm theo hướng ngược lại so với xu thế chung. Nếu chỉ đặt câu hỏi mà không chủ động đi tìm câu trả lời thì chỉ cho thấy sự đa nghi, phá đám, bàn ngược.

Thứ ba – Luôn nghi ngờ:

Đặc biệt là sự vật hiện tượng đó trẻ mới gặp lần đầu. Một phát ngôn từ người lạ đương nhiên sẽ phải được soi xét kỹ hơn so với từ một người mà trẻ đã hoàn toàn tin tưởng.

Thứ tư – Có tư duy logic:

Tư duy logic là khả năng kết nối các mắt xích tưởng như chẳng có liên kết gì với nhau. Tư duy logic và tư duy phản biện không phải là một mà là bổ trợ cho nhau. Không có tư duy logic thì trẻ có thể đặt ra được câu hỏi nhưng khó tự tìm ra câu trả lời. Ngược lại việc sở hữu tư duy phản biện khó hơn nhiều so với tư duy logic.

Thứ năm – Khả năng đánh giá vấn đề mang tính khách quan:

Khi đánh giá một vấn đề, trẻ cần đặt bản thân như người nào đó không phải là chính mình. Nếu không tư duy và phán đoán của trẻ sẽ dễ bị cảm xúc chi phối. Đây chính là rào cản lớn để có tư duy phản biện và khiến nó có ích cho chính bản thân.

Việc sở hữu kỹ năng tư duy phản biện khó hơn nhiều so với tư duy logic
Việc sở hữu kỹ năng tư duy phản biện khó hơn nhiều so với tư duy logic
Thứ sáu – Kỹ năng ra quyết định:

Ra quyết định là một quy trình bao gồm các bước: 1. Gọi tên vấn đề, 2. Tìm kiếm các đối tượng liên quan tới vấn đề, 3. Tìm nguyên nhân, 4. Tìm giải pháp, 5. Tổ chức thực hiện. Khi trẻ nói “chúng ta nên làm thế này” thì trong đầu trẻ phải hình thành đầy đủ các thông tin trong tiến trình ra quyết định rồi. Kỹ năng này sẽ giúp cho ý kiến của trẻ chặt chẽ và có thể tiếp tục tương tác với người khác.

Comments

Chia sẻ khác
Đăng ký khóa học

Đăng ký khóa học

Chúng tôi cam kết thông tin của bạn sẽ được giữ bảo mật.