fbpx
Góc chia sẻ
Chia sẻ chuyên môn

6 bước phát triển kỹ năng tư duy tích cực cho trẻ

07/07/2018 CMS Edu
Tư duy logic là yếu tố nền tảng cho việc phát triển kỹ năng tư duy tích cực một cách hiệu quả. Phần lớn cha mẹ có suy nghĩ lúc nhỏ chỉ cần chăm sóc trẻ qua bữa ăn, giấc ngủ, trò chuyện và bảo ban trẻ. Lớn một chút thì đưa trẻ đến trường để thầy cô dạy dỗ. Tuy nhiên bản năng của trẻ là tìm tòi và tò mò về mọi thứ, cha mẹ cần tranh thủ điều này.

Khi 1 tuổi, trẻ bắt đầu nhận thức cơ bản về cuộc sống xung quanh. Nhưng đến 3 tuổi, trẻ lại cần thêm lời giải thích cho những kiến thức đó. Ba năm đầu đời là ba năm phát triển mạnh mẽ nhất của trẻ trong mọi lĩnh vực. Ở tuổi lên 3, não trẻ phát triển một cách đáng kể, có sự liên kết hàng tỷ các tế bào và các kết nối này ảnh hưởng đến kỹ năng tư duy tích cực của trẻ sau này.

Giáo dục sớm giúp trẻ phát triển năng lực tư duy tích cực
 Giáo dục sớm giúp trẻ phát triển năng lực tư duy tích cực

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng 50% khả năng học vấn của trẻ hình thành vào tuổi lên 5 và 80% vào tuổi lên 8. Đây là thời kỳ não bộ có số kết nối gấp đôi số lần kết nối của não người lớn. Trải nghiệm trong 8 năm đầu đời có ảnh hưởng đến khả năng phát triển não bộ của một người. Nếu được phát triển đúng cách, trẻ có được năng lực tư duy tích cực và học tập tốt hơn trong tương lai. Một trong những phương pháp quan trọng giúp trẻ có kỹ năng tư duy tích cực chính là gợi hỏi trẻ.

Nhà tâm lý học Benjamin Bloom đã tìm hiểu tính cách, đặc tính của trẻ. Ông phát triển một hệ thống phân nhóm Bloom’s Taxonomy theo 6 mức độ:

6 cấp độ phát triển năng lực tư duy của trẻ
GHI NHỚ

Nền tảng đầu tiên chính là “GHI NHỚ” thông tin. Trẻ biết quan sát và nhớ được các thông tin ngày tháng, nơi chốn, sự kiện, câu chuyện… Hãy hỏi trẻ các câu hỏi như: bao nhiêu, khi nào, ở đâu, hãy kể, chỉ ra,… “Đâu là chiếc bút chì màu xanh?”, “Con có bao nhiêu cái kẹo ở đây?”, “Con nghĩ khi nào mình ăn tối được nhỉ?”…

Chú ý là không nên giúp con trả lời các câu hỏi. Thay vào đó hãy để trẻ suy nghĩ và đưa ra đáp án của mình. .

Thông qua các hoạt động thường ngày trẻ có thể ghi nhớ các thông tin như sắc màu, con số, địa điểm
HIỂU BIẾT

Khi nhận biết tốt hơn, trẻ sẽ HIỂU được các khái niệm và nguyên tắc. Nghĩa là trẻ nắm bắt được ý nghĩa, biết diễn giải, so sánh, đối chiếu và biết sắp xếp, suy luận. Cha mẹ hãy yêu cầu con miêu tả, giải thích, ước lượng, dự đoán, phân biệt, lấy ví dụ,… Điều này sẽ thúc đẩy trẻ diễn giải và suy luận.

Ví dụ như: “Nếu chỉ có 5 từ để mô tả bản thân, con sẽ chọn những từ nào?”,“Con hãy phân biệt đâu là rau muống, đâu là rau cải?”, “Sau này lớn lên, con muốn con trở thành ai, trở thành người như thế nào?”…

Cha mẹ có thể mua các sách dạy đọc hiểu hoặc trò chuyện để phát triển tư duy tích cực cho trẻ. Đây cũng là cơ hội để chỉ bé những điều hay, phẩm chất tốt đẹp.

Ở cấp độ “hiểu” trẻ đã biết so sánh, phân biệt các khái niệm
ÁP DỤNG

Áp dụng là việc lựa chọn, chuyển đổi và áp dụng những điều đã biết vào một ngữ cảnh mới. Mục tiêu là giải quyết một vấn đề hay để làm một việc gì đó. Giai đoạn này trẻ đã có kiến thức nhất định học được từ nhà trường. Trẻ có khả năng giải các bài toán, áp dụng phép cộng trừ nhân chia. Cha mẹ hãy yêu cầu con minh họa, chứng minh, tìm ra, thử nghiệm,… Hoạt động này khuyến khích trẻ áp dụng kiến thức đã biết vào những tình huống cụ thể và mới lạ.

Ví dụ: “Con có biết trò này chơi như thế nào không?”. “Hướng dẫn bố/mẹ nhé”. Trẻ sẽ nhận ra mọi người cần giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Thông qua những yêu cầu, trẻ sẽ cảm thấy được trao quyền, tự tin hơn vào bản thân. Đồng thời cũng khuyến khích tinh thần học tập tốt hơn và giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn.

PHÂN TÍCH

Khi trẻ có khả năng phân tích, cha mẹ hãy nâng cao mức độ các câu hỏi. VD: hỏi về quan điểm, nhận thức sự kiện; phân tích nguyên nhân hay hệ quả của 1 sự việc… “Nếu con làm như vậy, con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?”. “Qua việc xảy ra ngày hôm nay, con học được điều gì?”…

Những câu hỏi mang tính phân tích này giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống sau này. Mỗi vấn đề trong tương lai đều có sự chọn lựa. Hãy định hướng cho con rằng, dù điều xảy ra là tốt hay xấu thì hãy luôn suy nghĩ tích cực và hoàn thiện bản thân. Việc này giúp con phát triển kỹ năng tư duy tích cực.

Phát triển kỹ năng tư duy tích cực thông qua hoạt động vui chơi
 Phát triển kỹ năng tư duy tích cực thông qua hoạt động vui chơi
ĐÁNH GIÁ

Đưa ra và bảo vệ ý kiến về một chủ đề nào đó chính là trẻ có khả năng đánh giá vấn đề. “Con nghĩ gì về hành động của cô Tấm cuối câu chuyện Tấm Cám”. “Nếu không học hành thì con định làm gì trong tương lai?“. Lúc này trẻ cần cha mẹ kèm cặp, định hướng cách hành xử đúng đắn. Hãy cho con đọc truyện về chuẩn mực đạo đức, cách giao tiếp, phép tắc hay những tình huống trong cuộc sống. Hãy giải thích cho trẻ hiểu giá trị sống thật sự, định hướng tương lai và kế hoạch cho bản thân chúng.

SÁNG TẠO

Ở bước này, trẻ có thể đưa ra ý tưởng mới dựa vào những thông tin đã có. Cha mẹ có thể yêu cầu con thiết kế, lên ý tưởng, phát minh ra một vật dung mới… “Nếu con có quyền thay đổi thế giới này thì con muốn thay đổi như thế nào?”.. “Con nghĩ cuộc sống của mình sẽ như thế nào trong tương lai… Những câu hỏi này giúp trẻ bắt đầu sống có mục đích và phát triển kỹ năng tư duy tích cực.

Trẻ hiểu được mỗi ngày đều có cơ hội thay đổi và hoàn thiện bản thân. Đồng thời trẻ trân trọng những thứ đang có, chú tâm hơn trong việc học hành, suy nghĩ về tương lai và lên kế hoạch cho bản thân. Cha mẹ cũng hiểu rõ hơn ước mơ của con mình.

 Cha mẹ nên đồng hành cùng con cái, là người gợi mở, định hướng cho sự phát triển của con

Một khi được định hướng ngay từ bé, giúp phát triển kỹ năng tư duy tích cực, trẻ sẽ dễ dàng ứng phó mọi tình huống trong tương lai. Trẻ không gặp khó khăn khi va chạm hay tương tác với xã hội và các mối quan hệ. Phương châm sống của chúng sẽ hình thành với mục đích tích cực, luôn tự điều chỉnh và kỷ luật bản thân để làm sao trở thành một công dân tốt cho xã hội.

Tìm hiểu thêm: https://cmsedu.vn/goc-chia-se/

(Theo dkn)

Comments

Chia sẻ khác
Đăng ký khóa học

Đăng ký khóa học

Chúng tôi cam kết thông tin của bạn sẽ được giữ bảo mật.